Tin Mừng Mt 1, 18-25
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu
Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su.
Suy niệm: Người con Fyan
“Ơn ngài Yàng, dăn Yàng ơm băl!”
“ Tạ ơn yàng, xin yàng ở cùng”. Một lời cầu nguyện chứa đựng tâm tình tạ ơn và khấn xin, khởi đi từ sâu thẳm trong cõi lòng của con người hướng về Trời Cao. Lời nguyện đó vẫn luôn được cất lên, cho dù người cầu khẩn có biết đích danh Đấng đang ngự chốn cao thẳm hay không, thì tự nó, lời cầu khẩn mang trong mình một sức mạnh của niềm tin. Đến bây giờ, chúng tôi mới nhận ra cùng đích của niềm tin đó là gì.
Mỗi khi cất bước ra khỏi nhà để đi lên nương rẫy, hay chuẩn bị lội qua con sông con suối, có khi chuẩn bị phát nương rẫy… người dân trên vùng đất Fyan thường hay ngước mắt lên trời, môi miệng cất lên lời cầu khẩn trên đây, để cầu xin yàng (thần) gìn giữ chở che.
Cũng như mọi sắc tộc trên vùng đất Tây Nguyên và nhiều dân tộc khác trên thế giới, trước đây, người Mạ chúng tôi trên vùng đất Fyan tin vào sự hiện diện của thần linh trong trời đất, cũng như sức mạnh thần thiêng nơi tạo vật và tự nhiên. Cha ông chúng tôi đã cố diễn tả niềm tin đó bằng nhiều phương cách khác nhau, như phong tục, tập quán, lễ hội… Nhưng tự sức mình, các ngài đã không thể hiểu thấu những gì thuộc về thế giới siêu nhiên. Cho đến một ngày, Ánh Sáng Tin Mừng của Đức Kitô chiếu rọi, những gì ẩn khuất và bị che kín nay được sáng tỏ.
Thật có phúc cho chúng tôi là người con của núi rừng Tây Nguyên, chúng tôi được đón nhận Tin Mừng của Đức Kitô. Ở với Chúa, lắng nghe Lời Chúa, được Chúa dưỡng nuôi bằng Lời và Thánh Thể của Người, chúng tôi nhận ra cùng đích niềm tin mà cha ông đã cố gắng tìm kiếm, đó là Thiên Chúa (gọi là Yàng, phương ngữ chung trên Tây Nguyên), Đấng Hằng Sống. Ngoài Ngài ra không có Yàng nào khác nữa.
“Không ai đã lên trên, ngoại trừ Ta, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13). Đó là lời mà chính Con Một của Yàng đã xác nhận, khi làm người và ở giữa thế gian này. Ngài đã tỏ lộ những điều mà cha ông chúng tôi không hề được nghe, được thấy. Ngài có một cái tên gọi là Emmanuel: nghĩa là Thiên-Chúa-cùng-chúng-ta. Ngài đã tỏ lộ điều gì mà chúng tôi thấy mình có phúc?
Qua Đấng Emmanuel, tôi được gọi Yàng là Cha. Một điều không thể đối với cha ông, nay có thể và hiển nhiên hằng ngày. Cũng như mọi phương ngữ khác, tiếng “Cha” trong ngôn ngữ của người Mạ chúng tôi (hay người K’Ho) cũng gọi là “Bàp” chỉ về người đã sinh ra, trong mối tương quan ruột thịt (cha và con). Hai từ “Ơ Bàp” hay “Bà Me”, được dùng nhiều lúc đối thoại hoặc khi cầu nguyện. Chúng mang lấy một sự thân thương, gần gũi và không có ngăn cách nào về vị thế giữa người gọi và người được gọi. Ở đó tâm tình trong sự hiện diện của hai con người được biểu lộ: người được sinh ra nhận biết và gọi đích danh người sinh ra mình, người sinh ra nhận biết và luôn trong tâm thế đón nhận, lắng nghe và trao ban cho người mình sinh ra. Gọi Yàng là Cha, đó là điều không thể với cha ông. Con người trở thành con cái của Yàng, trong tình phụ tử nghĩa thiết.
Tình phụ tử nghĩa thiết đó được bộc lộ qua việc ta được nhận lãnh tình thương từ Yàng. Xưa kia, khi cha ông chúng tôi phạm đến vàng hoặc làm điều gì đó sai trái, các ngài phải lãnh hậu quả là sự trừng phạt bằng các tai ương, dịch bệnh, thiên tai… Giờ đây, Yàng là Tình Yêu, Yàng yêu thương hết mọi người và yêu đến cùng (x. Ga 13,1).
Tình thương của Yàng được tỏ lộ trước nhất nơi vạn vật. Vì yêu thương Vàng đã dựng nên mọi vật mọi loài và Ngài dựng nên ta bằng bàn tay yêu thương, giống hình ảnh và như Yàng (x. St 1,27). Nơi tạo thành, Yàng đặt để quy luật sống, quy luật của tình yêu, để khi ta biết tôn trọng và sống gần gũi với tạo thành, ta sẽ bình an và hạnh phúc. Tận sâu thẳm trong cõi lòng, ta mang lấy niềm khao khát hướng về và được hạnh phúc trong Yàng. Nỗi niềm đó làm cho cha ông không ngừng tìm kiếm bằng nhiều cách thức, nhưng các ngài không tìm thấy vì bị tội lỗi trói buộc và làm lu mờ, như thánh Têrêsa Avila viết trong cuốn Lâu Đài Nội Tâm: “Thiên Chúa Ba Ngôi và Ánh sáng của Ngài vẫn chiếu tỏa trong thẳm sâu linh hồn, nhưng lu mờ vì tội lỗi.”
Nơi Yàng sự sống vĩnh cửu luôn luôn dành sẵn cho ta. Bởi vì Yàng là Đấng yêu sự sống và Ngài đã tạo dựng mọi vật, mọi loài bằng thần khí sự sống của Ngài, nên vũ trụ thuộc về Yàng. Tất cả vạn vật sẽ được thâu tập lại trong Người Con Một (x. Ep 1,10; 1Cr 3,23) và đưa chúng đến cùng đích trời mới đất mới (x. Kh 21,1).
Vì yêu thương ta, Yàng đã ban cho ta món quà quý giá nhất, đó là Người Con Một, Đấng Emmanuel. Tội lỗi đã làm cho ta xa lìa Yang và sẽ chết đời đời. Nhưng tình yêu và lòng xót thương của Yàng lớn hơn rất nhiều. Cho dù ta có tội lỗi đến đâu, Yàng vẫn yêu thương, Ngài đợi chờ ta sám hối và quay trở về, để ôm lấy, để tha thứ và trao ban ân phúc cao quý là sự sống đời đời cho ta. Đấng Emmanuel là Người Con Một của Yàng được Ngài ban cho thế gian vì yêu thương ta quá đỗi (x. Ga 3,16). Người Con đó đã xuống thế gian và ở lại với ta để tìm kiếm những ai đang hư mất vì tội lỗi (x. Lc 19, 10).
Emmanuel: Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, tên gọi của Ngài đã biểu lộ bản chất của Ngài. Không như các yàng mà cha ông chúng tôi nghĩ tưởng và truyền tai nhau, Đấng Emmanuel đã xuống thế làm người, ở với ta theo cách của con người. Ngài được một người Trinh Nữ được Yàng gìn giữ, thụ thai bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Đấng Emmanuel là Con Thiên Chúa thật và là người thật, Ngài được sinh ra, được nuôi dưỡng và lớn lên như bao người khác. Ngài không ở trên hay ở ngoài mà ở giữa loài người, đồng thân, đồng phận với ta. Ngài yêu thương ta và không muốn để mất một ai: “Cây lau bị dập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét cũng chẳng nỡ tắt đi”( Is 42,3).
Đấng Emmanuel là con người như bao người khác, Ngài nhìn thấy, nghe biết và hiểu thấu đồng loại của mình. Đồng loại đó với những bất toàn yếu đuối, mỏng giòn, dễ sa ngã… Đồng loại với những gánh nặng lo toan trong cuộc sống, đồng loại đó với khao khát hạnh phúc, họ chịu sự cám dỗ, ràng buộc và bị kìm kẹp của sự dữ, tội lỗi và phải chết…
Đấng Emmanuel không chỉ nhìn thấy và nghe biết mà Ngài đã nếm trải tất cả sự khốn cùng của phận người. Ngài đã làm người và mang lấy thân phận của người nghèo. Trước khi mở mắt chào đời, nơi cung lòng của người mẹ, Đấng Emmanuelnbị người đời từ chối: “Người đã đến nhà mình nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,16). Một phụ nữ sắp sinh con cùng với một người bạn đồng hành là thánh Cả Giuse cần đến nơi nương náu, cần đến sự giúp đỡ của người đồng loại, ấy vậy mà, chẳng ai ngó ngàng và bận tâm tới. Họ bơ vơ giữa đêm đông lạnh giá. Khi chào đời, Ngài được bọc tã và đặt nằm trong máng cỏ, nơi để thức ăn cho bò lừa.
Mới chỉ là một Hài Nhi bé nhỏ và yếu ớt, cha mẹ Ngài đã phải mang Ngài đi chạy trốn khỏi tên bạo Chúa lùng giết, giữa đêm tối. Khi lớn lên, Ngài đã sống một cuộc sống bình dị, làm nghề thợ mộc, nơi thôn quê nghèo, làng Nazareth… Ngài cũng đã đói, đã khát của ăn, của uống nơi hoang mạc và đã phải đối diện với sự cám dỗ của ma quỷ. Ngài đã đi khắp nơi để rao giảng Nước Trời và tỏ lộ tình yêu của Yàng cho tất cả mọi người. Nhưng có mấy ai đón nhận, ngược lại người ta bắt bớ, vu khống, bôi nhọ, rình rập, tìm cớ bắt lỗi và giết đi.
Vì yêu ta, Ngài đã chịu sự đau đớn trong tâm hồn. Nơi vườn Gietsimani, tâm hồn đau đớn tột cùng, đến nỗi đổ cả mồ hôi máu và phải kêu thấu lên Thiên Chúa là Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha” (Mt 26,42). Ngài cũng đã chịu nỗi đau đớn tột cùng trên thân xác khi chịu khổ hình. Ngài bị xiềng xích, bị tra tấn, bị sỉ nhục, bị đánh đập đến độ hình hài không còn nguyên vẹn: “Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn…” (Is 53,2…).
Điều cha ông không hề hay biết, đó là Yàng đã chịu chết thay cho ta. Vì tội lỗi chúng ta, Đấng Emmanuel đã trải qua cái chết, một cái chết ô nhục: “Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm, người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được lành lặn” (Is 53,5). Ngài đã bị đóng đinh trên thập giá vì chúng ta. Đối diện với sự bắt bớ, sự đau khổ và cái chết nhục nhã trên thập giá, Ngài không thốt lên một lời chua cay gắt gỏng, ngược lại , Ngài đã xin Chúa Cha (Yàng Bàp) một điều, đó là sự tha thứ: “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Khi đã tắt thở, Ngài bị đâm thâu, Máu và Nước đã tuôn ra từ Thánh Tâm Ngài để tẩy sạch, xóa bỏ tội lỗi của ta và Thần Khí được trao ban cho ta để tái tạo lại sự sống đã mất khi ta phạm tội. Ngài đã sống lại, để cho ta được sống với Ngài trong Thiên Chúa.
Đấng Emmanuel không chỉ chết và sống lại cho ta, Ngài còn lại với ta mọi ngày cho đến tận thế. Không như vị thần linh mà cha ông chúng tôi nghĩ tưởng, Yàng đã ở lại với ta nơi trần gian này mãi mãi, như Ngài đã nói: “Này đây Ta sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20), Ngài đã ở lại trong hình bánh nhỏ bé, trong Nhà Tạm, để chờ đợi hết thảy mọi người chạy đến, viếng thăm, cầu nguyện…
Nàng còn nuôi sống ta bằng thứ thần lương mà thế gian không có. Ngoài cây cỏ, thú vật mà Ngài dựng nên cho ta, Ngài còn ban chính Minh và Máu của Ngài làm của ăn và của uống, để nuôi dưỡng linh hồn và thân xác ta. Mỗi khi ta rước vào, Ngài liền ngự đến trong tâm hồn, làm cho linh hồn sáng lên Ánh Sáng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Linh hồn được dìm vào trong và thuộc trọn về Yàng.
Đấng Emmanuel đã sai một Đấng khác đến từ Vàng Bài, để thánh hóa ta, đó là Chúa Thánh Thần. Từ đây, nhân loại nhận biết Một Thiên Chúa Duy Nhất, nhưng có Ba Ngôi là: Chúa Cha (Yàng Bàp), Chúa Con (Yang Kon) và Chúa Thánh Thần (Yàng Kờñ). Đó là mầu nhiệm vượt quá trị hiểu và không một ngôn ngữ nào của loài người có thể diễn tả hết được. Ngôi Ba là Yàng Kờñ, Đấng phát xuất từ tình yêu của Yàng Bạp và Yang Kon. Ngài được gọi với nhiều tên khác nhau: Thần Chân Lý, Đấng Bảo Trợ, Đấng an ủi… Là Thần Khí, Yàng Kờñ khơi dậy trong tâm hồn ta khao khát hướng về Chân, Thiện, Mỹ là Thiên Chúa (Vàng Trồ). Và dẫn đưa họ đến với Đấng Emmanuel, để nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, ta thuộc về Yàng Trồ là Bàp và sống hạnh phúc nơi Ngài.
Qua Đấng Emmanuel, ta không chỉ được sống trong tình phụ tử mà còn được ôm ấp tình thương bởi một người Mẹ, đó là Đức Maria, Mẹ của Đấng Emmanuel. Trên thập giá, Ngài đã trội Mẹ của Ngài cho nhân loại, một người Mẹ đã trải qua kiếp người như ta và giờ đây Mẹ đang trên Quê Trời hằng cứu giúp chúng ta. Bên cạnh đó, cùng đồng hành với ta còn có các thánh, các ngài là những người đã được cứu chuộc và được hưởng sự sống đời đời. Do đó, ta không cô đơn, lẻ loi và tách biệt khỏi thế giới siêu nhiên.
Đấng Emmanuel đã thiết lập Giáo Hội ngay trong trần gian này. Giáo hội tập hợp những người tin nhận Đấng Emmanuel là Vị Cứu Tinh, được Yàng là Cha, Đấng duy nhất và chân thật sai đến. Giáo Hội là Duy nhất do Đấng Emmanuel thiết lập đã tồn tại hơn 2000 năm, mang sự Thánh Thiện của Yàng. Giáo Hội là tất cả mọi người không loại trừ ai và giảng dạy những điều Đấng Emmanuel truyền dạy…
Cùng đích của niềm tin là Yàng Duy Nhất, đã đi vào nhân loại, ở cùng ta với đầy quyền năng. Tình yêu của Ngài không vơi cạn. Có Ngài ở cùng, mọi hiểm nguy sẽ được đẩy lui. Cái phúc lớn nhất của chúng ta là được đón nhận Đấng Emmanuel: Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.
Thật diễm phúc cho chúng tôi vì được lãnh nhận và được nuôi dưỡng Đức Tin qua Giáo Hội. Lời cầu nguyện xưa kia với yàng, đã nói lên một niềm tin của cha ông chúng tôi vào thần linh chưa rõ ràng. Giờ đây, niềm tin đã có cùng đích là Thiên Chúa Duy Nhất và Chân Thật. Niềm tin đó cần được loan truyền cho muôn người, nói cho họ biết về Đấng Emmanuel: Thiên-Chúa-ở-cùng-nhân-loại, Đấng mà cha ông chúng tôi chưa hề biết. Và Trước mọi hiểm nguy, đặc biệt trong một bối cảnh của một thế giới đang phải đối diện với cơn đại dịch, chỉ có tình yêu quyền năng Yàng mới có thể đẩy lui. Lời cầu nguyện là lời tạ ơn và khấn Yàng, để Ngài hiện diện và cứu giúp chúng ta. Người tin hãy cùng nhau thốt lên và làm chứng cho muôn dân, bằng việc tuyên xưng:
“An hoe să Yang Bàp, mo Yang Kòn, mo Yang Kờñ. Ơn-ngài Yàng, dằn Yàng ơm băl… Amen “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tạ ơn Chúa, xin Chúa ở cùng. Amen.”