Mới nhất

Lễ mừng lúa mới của người Jro

Phương Lan

Theo quan niệm của người Châu Ro, con người cùng các sự vật (đất, đá, cây cối, sông suối, núi rừng..) và các hiện tượng (mưa, gió, sấm chớp..) đều có linh hồn và có các vị thần ngự trị, chi phối, tác động đến đời sống con người. Trong số các vị thần đó thì Thần Lúa và Thần Rừng có vị trí quan trọng đặc biệt. Thần Lúa tượng trưng cho no ấm, Thần Rừng tượng trưng cho sức mạnh. Tín ngưỡng thờ Thần Lúa, Thần Rừng và lễ cúng Thần Lúa, Thần Rừng đã trở thành hai lễ hội quan trọng nhất. Theo ngôn ngữ của người Châu Ro, lễ cúng Thần Lúa là Ôp Yang Va, lễ cúng Thần Rừng là Ôp Yang Vri.

Đồng bào dân tộc Châu Ro gói bánh cắp, bánh dầy để cúng trong Lễ hội Yang Va.

Lễ hội Ốp Yang Va được tổ chức hàng năm, vào những đêm trăng sáng, đẹp trời dịp tháng ba, tháng tư âm lịch. Theo người Chơ Ro thì lúc này “lúa đã bò lên nhà ngủ”, “tay chân đã hết đất”, với hàm ý là mùa màng đã thu hoạch xong, người lao động được nghỉ ngơi. Người dân tổ chức cúng Thần Lúa để mừng thành quả của một mùa lao động, cùng nhau vui hưởng thành quả ấy đồng thời cầu nguyện thần linh phù trợ cho mùa sau lúa nẩy hạt, to bông, được mùa hơn năm trước.

Trong buôn làng, người ta sắp xếp thời gian sao cho khỏi trùng lặp giữa gia đình này với gia đình khác, luân phiên nhau để khi một nhà tổ chức thì các nhà khác cùng tham dự. Tùy theo điều kiện kinh tế, số người lao động trong gia đình để chuẩn bị gạo, nếp, rượu cần và gia súc, gia cầm. Phụ nữ lo xay lúa, giã gạo, đồ xôi, làm bánh. Đàn ông lo dựng rạp, lấy nước từ suối về, mổ heo, trang hoàng nhà cửa…

Già làng với tư cách chủ lễ sau khi kiểm tra các vật cúng và việc bày biện sẽ mời thầy cúng bắt đầu hành lễ. Một buổi lễ cúng thần lúa gồm các chặng:

– Mời Thần Lúa Về ( Kwal Yang) – Đón Tiếp Thần Lúa ( Wĭnh Khwây Yang) – Trao Đổi với Thần Lúa (Nhai păch gâm Yang) – Chúc Sức Khoẻ Thần Lúa (Lup Yang) Hát ghẹo, hát đối đáp (âh singâq).

Khoảng cách mỗi chặng từ một giờ đến một giờ rưỡi đồng hồ và kéo dài suốt đêm cho đến hừng đông. Hòa theo lời khấn của thầy cúng có dàn nhạc chiêng đệm suốt chặng của đêm lễ. Những món ăn, rượu cần được liên tiếp dọn ra để mời khách trong buôn. Mọi người tự do ăn uống, trò chuyện râm ran. Trai gái cùng nhau hát ghẹo, hát đối đáp (Âh Singâq) đến trưa hôm sau mới kết thúc.

Đánh cồng chiêng là một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong Lễ hội Yang Va.

Lễ hội Ốp Yang Vri tuy không tổ chức hàng năm nhưng cũng là lễ hội lớn đối với người Châu Ro. Cứ ba năm Lễ cúng Thần Rừng tổ chức một lần, lễ hội cũng diễn ra vào thời điểm sau thu hoạch. Khác với lễ Ốp Yang Va diễn ra trong từng nhà, lễ Ốp Yang Vri được thực hiện ở ngoài trời, dưới một gốc cây cổ thụ được già làng chọn làm nơi linh thiêng để thực hiện lễ cúng. Vật phẩm dâng cúng do dân trong buôn tự nguyện đóng góp. Đặc biệt, dê, lợn cúng ban đầu phải để nguyên sau khi giết xong, cạo lông, mổ ruột rồi đặt lên bàn để tế thần sau đó mới đưa xẻ thịt để chế biến thức ăn.

Giống lễ cúng Thần Lúa, lễ cúng Thần Rừng cũng do thầy cúng làm chủ lễ khấn vái, làm “cầu nối” giữa buôn làng với thần linh. Lễ cúng thần rừng kéo dài từ đầu hôm đến giữa trưa hôm sau.

Ngoài lễ vật dâng cúng của cả buôn, những gia đình có khả năng kinh tế có thể đưa đến những mâm cúng riêng, lễ xong, thường chia làm đôi, một nửa góp chung vào cuộc vui cộng đồng, nửa còn lại đem về gia đình để cùng hưởng “lộc của thần”.

Các thức cúng sau lễ tế thần được bày ra để dân trong buôn cùng nhau ăn uống, ca hát kết hợp vui chơi, hát huê tình, kể sử thi (Chitaving). Theo tập tục, cuối buổi lễ, người ta kết một chiếc thuyền bằng bẹ chuối, trên đó đặt các thức cúng, do hai con rùa kéo để đưa tiễn thần linh.

Lễ hội Ôp Yang Va, Ôp Yang Vri mang ý nghĩa “uống nước nhớ nguồn”, vừa để “trả lễ” thần linh, vừa cầu mong ấm no, hạnh phúc. Những lễ hội đặc sắc này góp phần thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng; đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Ðồng thời, khích lệ đồng bào các dân tộc thiểu số cùng chung sức xây dựng một nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Về Ban biên tập

Hãy kiểm tra thêm

Ý nghĩa của núi trong văn hóa và tín ngưỡng: Từ Kinh Thánh, văn hóa Kòn Cau đến các tộc người trên thế giới

Núi, từ lâu, đã vượt ra khỏi ý nghĩa địa lý đơn thuần để trở …

Hiểu về văn hóa cổ truyền như thế nào ?

Văn hóa cổ truyền là biểu hiện sống động của bản sắc con người, được …

Vũ trụ quan và sự sống đời sau

“Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy, người …