Là thành viên của Kòn Cau, có bao giờ bạn được nghe nói đến hai từ “Hiu Kŭt” chưa ? Có lẽ, ít nhiều bạn cũng đã được nghe nói đến. Hai danh từ này chỉ về một hình thể của một căn nhà tạm bợ mà ở đó có người sinh sống. Ngoài danh từ trên, chúng ta sẽ bắt gặp danh từ “Hiu Kŭt Ndu.” Danh từ này cũng ám chỉ một ngôi nhà tạm bợ, nhưng không phải để dành cho con người, mà là cho Thần Linh của họ. Bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu nét văn hóa độc đáo của cộng đồng qua hai danh từ trên đây. Hơn nữa, bài viết cũng muốn hướng đến sự hội nhập văn hóa đối với Kitô giáo, đặc biệt là Công giáo.
Tổ chức xã hội cổ truyền của Kòn Cau
Trong xã hội cổ truyền của Kòn Cau, bậc tổ chức xã hội cao nhất là các ƀòn (buôn, làng). Mỗi làng có nhiều gia đình, dòng họ, dòng tộc sống chung với nhau trong một ngôi nhà dài mà người xưa gọi là hìu ròt, với số lượng từ 20 đến 30 người. Trong căn nhà đó, họ chia thành các gia đình hạt nhân nhỏ khác nhau, cùng huyết thống, nhiều thế hệ, sống chung với nhau. Việc quản lý và sử dụng tài sản thường theo hai chiều hướng: Cộng cư hoặc phân tách. Cộng cư là hình thức cùng làm cùng quản lý và sử dụng chung tài sản; phân tách là hình thức sống chung, nhưng tư hữu về quản lý và sử dụng tài sản. Mỗi nhà dài do một vị đứng đầu được gọi là “pô hiu” hay “cau tờm hìu.” Còn mỗi một làng sẽ có một vị đứng đầu “tờm ƀòn” hoặc “kuăng ƀòn.” Cộng tác với vị này là các bô lão (kuăng kra), chủ rừng (tờm ù, tờm tiah, tờm brê), mò boài (bà đỡ), phù thủy (mồng, bơjơu).
Việc định cư của họ có thể thay đổi do nhiều nguyên nhân: Theo định kỳ của mùa vụ canh tác, họ sẽ dời làng di chuyển sang một nơi ở mới, trong tầm bán kính là ranh giới của họ; do chiến tranh, loạn lạc; do bệnh tật, v.v. Tuy tổ chức xã hội khá chặt chẽ, việc chia sẻ cho nhau được ưu tiên vì tinh thần cộng đồng. Nhưng không vì thế mà có thể tránh khỏi những điều bất trắc xảy ra. Có nhiều gia đình rơi vào bế tắc, sống trong thiếu thốn; hoặc mẹ côi con cút; có khi có cả những người vi phạm luật tục, v.v. Họ phải ở riêng một mình, không thể hòa nhập với cộng đồng và sống chung trong các ngôi nhà sàn dài. Những trường hợp như vậy, người ta thường làm những căn nhà tạm bợ để ở, họ gọi là “hiu kŭt.” Có khi, khi mới định cư, chưa làm được các căn nhà dài, họ buộc phải làm hiu kŭt để ở tạm bợ.
Từ nguyên “Hiu kŭt”
“Hiu kŭt,” có nơi gọi là “hiu kơ̆t,” là một từ ghép. “Hiu” là một danh từ, có nghĩa là căn nhà, là ngôi nhà, là mái ấm. “Kŭt” vừa là danh từ vừa là tính từ. Trong trường hợp danh từ, “kŭt” mang nhiều tầng nghĩa khác nhau. Trước hết, “kŭt” có nghĩa là lều rơm mùa đạp lúa, một ngôi nhà nhỏ, lều nhỏ, nhà lều, nhà của người nghèo. Ta bắt gặp các từ ghép như: Kŭt jơrke (ổ lợn rừng), Kŭt Ndu (nhà của Thần Ndu), kŭt rơnsòn (tệ xá, nhà ổ chuột). Còn khi “kŭt” là một tính từ, chúng ta sẽ bắt gặp các tầng nghĩa như: Bị trĩu trệ, xệ xuống do quá nặng; bị lử, lả, ình, xị, v.v cũng vì do sức nặng; nó còn có nghĩa là im, ắng, lặng, yên, ngon, lịm, ngon lành, v.v; bên cạnh đó, “kŭt” còn có nghĩa là một thân một mình. Chúng ta có các từ láy như “kŭt kŭt” nghĩa là yên ắng, ắng lặng, lặng yên, thư thái, khệ nệ, v.v ; “kŭt lơkŭt” lủi tha lủi thủi, say sưa đắm đuổi, chết mê chết mệt, v.v.
Như vậy, “hiu kŭt” là một danh từ ghép mang nhiều tầng nghĩa khác nhau. Chúng ta có thể xét các nghĩa của từ theo lối hiểu hiện đại, để có thể hiểu được tầng nghĩa mà từ muốn diễn tả trong bối cảnh của xã hội cổ truyền.
“Hiu kŭt” trong ngôn ngữ Kòn Cau được hiểu là nhà chòi, hay tệ xá.
Trong thế giới hiện đại, khi chúng ta bước ra khỏi cánh cửa của những ngôi nhà an lành, tiện nghi, chúng ta có thể không nhận ra rằng không phải ai cũng may mắn như vậy. Đằng sau những khu dân cư phồn thịnh, có những góc phố bị lãng quên, nơi những bóng tối của đau khổ và nghèo đói vẫn âm ỉ tồn tại. Đó chính là thế giới của nhà chòi và tệ xá – những nơi mà cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng, nhưng đó cũng là nơi mà lòng nhân ái và hy vọng vẫn tồn tại. Trong xã hội đầy biến động này, những người sống trong nhà chòi và tệ xá phải đối mặt với những thách thức khốc liệt hàng ngày. Với cấu trúc vật chất kém, những căn nhà này thường không thể bảo vệ được họ khỏi gió lạnh mùa đông hay nắng nóng mùa hè. Những bước chân trẻ thơ vẫn phải chạy trốn trong bóng tối của những con hẻm hút bể phế thải, vì không có hệ thống thoát nước hay vệ sinh đúng đắn. Sự thiếu hụt nước sạch và tiện ích cơ bản như điện cũng khiến cuộc sống trở nên khó khăn và bất tiện hơn bao giờ hết. Thậm chí, an ninh không đảm bảo còn là nỗi lo lớn, khi mà những khu dân cư này thường trở thành mục tiêu của tội phạm và bất ổn xã hội. Tuy nhiên, dù cuộc sống của họ có khó khăn đến đâu, những người sống trong nhà chòi và tệ xá vẫn không ngừng chiến đấu và hy vọng. Họ là những người bước đi mỗi ngày với niềm tin rằng một ngày nào đó, cuộc sống của họ sẽ được cải thiện. Họ là những người lớn lên trong điều kiện khắc nghiệt, nhưng vẫn biết ơn mỗi ngày một lần khi có thể sống và yêu thương nhau.
“Hiu kŭt” của Kòn Cau cũng được hiểu là những căn nhà với điều kiện thấp kém và có những con người với niềm hy vọng như thế đó đang trong sống trong các “Hiu kŭt.”
Bên cạnh “Hiu kŭt,” chúng ta sẽ bắt gặp thuật ngữ khác trong ngôn ngữ Kòn Cau, đó là “Hiu kŭt – Rơsòn” ám chỉ khu ổ chuột hoặc các tệ xá. Trên con đường vắng vẻ và đầy bóng tối của thành phố, nơi mà ánh sáng của cả xã hội dường như không bao giờ chạm đến, nằm chìm trong sự đắm chìm của nghèo đói và tội ác, nơi đó là “khu ổ chuột”. Thuật ngữ này, dường như chẳng còn xa lạ với bất kỳ ai từng bước chân vào thế giới của những địa bàn bị lãng quên, nơi mà sự sống và sự hy vọng dường như đã bị vùi lấp dưới lớp bụi của sự phản bội và bất lực. Khu ổ chuột không chỉ là một địa điểm trên bản đồ, mà còn là biểu tượng cho sự mất mát, sự thất vọng và sự bất công. Nó là nơi mà những cái tên không được ghi nhớ và những giấc mơ bị vùi dập chờ đợi. Tại đây, mỗi buổi bình minh không mang lại hy vọng mới mẻ mà chỉ là sự tiếp tục của cảnh đen tối và bất lực. Trong thế giới của khu ổ chuột, những đứa trẻ không biết đến tiếng cười, chỉ biết đến tiếng rên cảm giác đau đớn và mất mát. Họ chẳng có cơ hội được bước chân vào một trường học đầy ắp tri thức và sự khám phá. Thay vào đó, họ phải vật lộn để tồn tại giữa những con đường bùn lầy và những tòa nhà vỡ nát. Nơi đây, bóng tối không chỉ đến từ thiếu hụt ánh sáng mà còn từ sự mất mát của niềm tin và lòng tin. Những người dân sống ở đây đã bị từ bỏ, họ trở nên cứng đầu và vô cảm trước sự đau khổ hàng ngày. Cảm giác tuyệt vọng và sự cô lập trở thành điều hiển nhiên, và sự hy vọng dường như chỉ là một giấc mơ xa vời không thể đạt được. Tuy nhiên, dù bị lãng quên và phủ bụi dưới lớp thất vọng, khu ổ chuột vẫn chứa đựng trong lòng mình những tia sáng nhỏ bé. Đó là tình yêu thương và sự đoàn kết giữa những con người phải chịu đựng sự đau khổ mỗi ngày. Nơi đây cũng là nơi của những người anh hùng vô danh, những người dám đứng lên và chống lại sự bất công và bóng tối.
Trong xã hội Kòn Cau, những người sống trong “Hiu kŭt – Rơsòn” cũng đang sống trong tình cảnh như vậy!
Như vậy, trong xã hội cổ truyền, hiu kŭt của Kòn Cau là nơi mà những người sống chịu đựng sự đau khổ hàng ngày. Trong căn nhà dài của làng, số lượng người có thể lên đến 30, nhưng hiu kŭt chỉ là những căn nhà tạm bợ, có khi chỉ dành cho một gia đình nhỏ. Điều kiện sống trong hiu kŭt thường rất thấp kém, với cấu trúc vật chất kém và thiếu hụt, thậm chí là nguy hiểm. Cuộc sống trong hiu kŭt không chỉ là cuộc sống khó khăn về vật chất mà còn là cuộc chiến chống lại sự cô đơn, tuyệt vọng. Tuy nhiên, dù đối mặt với những khó khăn, những người sống trong hiu kŭt vẫn không ngừng hy vọng và chiến đấu cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong xã hội đầy biến động này, hiu kŭt không chỉ là nơi ẩn mình của sự khốc liệt, mà còn là biểu tượng cho những người có lòng kiên trì từng ngày. Đó là Hiu Kŭt danh cho con người, có một loại Hiu Kŭt danh cho Thần Linh, họ gọi là “Hiu Kŭt Ndu.” Loại hình thể này chỉ có trên cây nêu vào các dịp lễ tế.
Cây nêu trong văn hóa Kòn Cau
Theo nhiều nhà nghiên cứu, cây nêu đã có từ thời văn hóa cổ đại rồi, là cây sự sống, nối kết con người với Trời Cao, được nhiều tộc người khác nhau trên thế giới sở hữu. Đây cũng là tài sản chung của các cư dân Đông Nam Á. Cây nêu trong văn hóa của cộng đồng Tây Nguyên nói chung vẫn còn đậm nét thái cổ, chúng không sơ sài và không bị ảnh hưởng bởi yếu tố tôn giáo nào khác ngoài niềm tin cổ truyền. Cây nêu luôn đi đôi với Đàn tế. Đàn tế và cây nêu chỉ được dựng lên trong các dịp tế Thần. Đàn tế dùng để thay thế cho nhà tế Thần. Kết cấu đơn giản bốn góc là bốn cái cột và trên đó họ trải lên một tấm lát bằng nứa hoặc lồ ô, buộc với nhau bằng dây tự nhiên (mây, ngoam). Mục đích là để trưng các con vật được hiến tế và thực hiện việc sát tế trong quá trình cầu Thần tế lễ. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là họa tiết được khắc vào các cột của đàn tế cũng như việc trang trí mang nhiều ý nghĩa. Các họa tiết này là “tiền chữ viết” (“proto writing”) của cư dân bản địa Tây Nguyên nói chung và cộng đồng nói tiếng K’Ho nói riêng. Chúng ta bắt gặp các họa tiết này không chỉ ở các cột của đàn tế, chúng còn hiện diện mọi nơi trong tất cả các loại hình thể thuộc về văn hóa vật chất. Đặc biệt, chúng thường được khắc họa lên trên cây nêu, trang phục truyền thống, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, v.v.
Bên cạnh đàn tế, cây nêu cũng chỉ được dựng trong các lễ tế Thần ăn trâu, bắt nguồn từ huyền thoại. Cây nêu có hai loại là Jơnơng (gơnơng) và Adăh (ndăh hoặc Kơndăh). Jơnơng là cây nêu lớn được dựng trong lễ hội lớn nhất của cộng đồng, Adăh dựng trong các lễ hội khác thuộc cấp bậc thấp hơn. Thân cây nêu chủ yếu được dùng là chi blàng (cây gòn gai). Mỗi dịp lễ hội, họ chỉ dựng lên một cây nêu duy nhất. Điều này nói lên vị Thần Linh chỉ có một và mọi người hiệp nhất nên một trong việc cầu Thần tế lễ. Đồng thời, việc trang trí cây nêu luôn theo truyền thống, trên ngọn các tua rua cao nhất được gắn hình ảnh chim ri hoặc chim sẻ (ở Cát Tiên là con chim đuôi cá màu đen), đó là biểu tượng con vật đã dẫn tổ tiên “Kòn Cau” từ nơi biển khơi vào miền cao và chỉ cho họ cánh đồng lúa. Tiếp đến, hình ngũ giác, lục giác, bát giác, v.v có tua rua tượng trưng cho buôn làng, gia đình và từng cá nhân trong cộng đồng. Cuối cùng, hình vuông hoặc chữ nhật (bàn thờ) có tua rua (râu thần) tượng trưng cho vũ trụ quan có Thần Linh–Đấng Sáng Tạo–Đấng cai quản hiện diện. Có một vị Thần Tối Cao trong niềm tin cổ truyền, đó là Yàng Ndu.
Ndu
Ndu là vị đại diện cho Thần Linh tối cao, duy nhất đồng thời là Thần sáng tạo, cai quản và trông nom vũ trụ vạn vật cũng như nghề nghiệp của con người. Nhà nghiên cứu, linh mục Jacques Dournes đã phân tích khía cạnh này dựa vào văn chương truyền khẩu và các nghi lễ tế Thần, trong tác phẩm “Miền Đất Huyền Ảo.” Ngài nhận định rằng Ndu là vị thần tối cao, “anh hùng khai sáng và các vị Thần sáng tạo khác được tượng trưng ra trong tư duy của Ndu.” Xuyên suốt tác phẩm của mình, tác giả đã nhắc đến “Ndu là vị thần đã xây dựng nên thế giới trong đó có con người,” tạo ra hòn đá lửa dưới Brah–tìng, làm ra mái vòm bằng cây mhi (một loại cây sồi) để con người tránh ướt khi trời mưa. Bên cạnh đó, Ndu còn được gọi là vị Thần lớn, là Cha bảo trợ của loài người, là Thượng đế của những người nghèo, đã dạy cho họ cách nấu thịt để ăn, Thần–Trời gửi các con chim nói sự thật cho con người và Ndu hiện hình dưới dạng một con chim màu đỏ trong các vụ phân xử kiện. Ndu không có một nơi cư ngụ cụ thể nào, không nơi này mà cũng chẳng nơi kia. Ndu không được phép tạc hình. v.v. Như vậy, một khía cạnh nào đó, vị Thần tối cao là một tinh thần thuần tuý vô hình vô chất, không nơi cư ngụ, hiện diện khắp nơi. Như đã trình bày, bàn thờ thường được làm ra để thờ và hiến sinh cho vị Thần tối cao, duy nhất này. Tên của Yàng Ndu được tôn kính đặc biệt, cộng đồng hiếm khi được phép gọi tên Ndu trừ khi trong các dịp tế Thần, vì thế họ gọi chung là Yàng hoặc Brah Yàn. Điểm này trong văn hóa của cộng đồng nói tiếng K’Ho rất gần với văn hóa của người Do Thái thời Cựu Ước. Trong truyện cổ, Ndu là Thần Linh đã ban hạt lúa đầu tiên cho con người. Do đó, Ndu là vị đại diện cho Thần Linh tối cao, duy nhất. Vì vậy mà trên cây nêu họ làm một ngôi nhà nhỏ trên cao dành cho Ndu, họ gọi là Hìu Kŭt Ndu. Ở xứ Mạ, cây nêu còn được gọi là “Chi Ndu” (“Cây của Ndu”). Tuy nhiên, khi nghiên cứu văn hóa người Sre tại Dilinh, linh mục Đaminh Nguyễn Huy Trọng cho biết Ndu được xem là Yàng Kòi (Thần Lúa), hay “Ndu là sự diễn tả của kòi (lúa), được cộng đồng tôn trọng nên không được gọi tên.” Như vậy, sau này tại Dilinh, Ndu được hiểu là Yàng Kòi và được xem là phẩm vật Yàng ban cho con người. Yàng là Thần Linh sáng tạo duy nhất đã ban Ndu để nuôi sống con người.
Ta sẽ bắt gặp hình thể tương tự trên cây nêu, đó là bàn thờ (nao, jơnao).
Nao, Jơnao
Về hình thể, bàn thờ được cấu tạo bởi một hình vuông, bốn góc có mái cong hướng lên, trên đó có khắc họa tiết kỷ hà cổ xưa. Hình vuông là biểu tượng cho vũ trụ quan có Thần Linh cai quản. Do người K’Ho theo chế độ mẫu hệ và họ không biết chắc chắn về vị Thần Linh của mình là nam hay nữ, họ trang trí thêm râu cho an toàn. Hai bên bàn thờ có treo hai đầu trâu có sừng (trâu đực được tuyển chọn), tượng trưng con vật tế Thần. Một số địa phương, người Mạ tuy theo chế độ phụ hệ, bàn thờ của họ cũng có kết cấu tương tự. Họ không chỉ làm bàn thờ trong căn nhà dài, nơi họ ở hoặc trên cây nêu, mà họ còn làm khi cần cầu Thần tế lễ ở bất kỳ nơi nào khi có nhu cầu. Bàn thờ này rất đơn giản, họ chỉ cần dựng một hình vuông bằng tre nứa hoặc cây tự nhiên (vào mùa thu hoạch lúa, họ thường làm bằng rơm), có những tua rua ở bốn góc là họ có thể nối kết với Thần Linh của mình bằng việc tế lễ.
Hìu Kŭt Ndu
Truyền thống có câu: “Bơh kŭt bơh ku, bơh yu bơh yau.” Đây là một ngôi nhà là hình thể của ngôi nhà đầu tiên mà Kòn Cau đã làm nên theo sự chỉ dẫn của Ndu. Họ đã ở trong căn nhà đó trước khi ở trong căn nhà dài. Nó tựa như bàn thờ thiên của các tộc người khác. Người ta không đặt nó ở bất cứ nơi nào, ngoài trên cây nêu. Kòn Cau không cúng, không thờ như một số tộc người khác. Họ tiến hành cầu thần tế lễ khi đến mùa, cầu cho mùa màng (lơh srai hòe miu), tạ ơn (ñô năng prăp kèo).
Tiền thân của một nền văn hóa thường được phản ánh qua những nghi lễ, truyền thống, và những câu chuyện cổ tích. Trong văn hóa của một số tộc người, các câu chuyện và truyền thống đó thường được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, làm nền tảng cho việc hình thành nhận thức và giá trị của cộng đồng.
Một trong những truyền thống quan trọng của một số tộc người là câu “Bơh kŭt bơh ku, bơh yu bơh yau,” một câu thành ngữ đơn giản nhưng chứa đựng một ý nghĩa sâu sắc về sự hiểu biết và tôn trọng đối với ngôi nhà, một không gian được coi là linh thiêng và thiêng liêng.
Ngôi nhà đầu tiên mà Kòn Cau đã xây dựng theo sự chỉ dẫn của Ndu không chỉ là một nơi ở, mà còn là biểu tượng của sự kết nối giữa con người và thiên nhiên, giữa người dân và thế giới tâm linh. Người ta ở trong cái lều nhỏ trước khi xây dựng các căn nhà dài.
Tựa như bàn thờ thiên của các tộc người khác, biểu tượng của “ngôi nhà này” không đặt ở bất kỳ nơi nào khác ngoài trên cây nêu. Điều này cho thấy sự đặc biệt và thiêng liêng của nó trong tâm trí của cộng đồng. Không chỉ là một nơi ở, ngôi nhà này trở thành trung tâm của các hoạt động tôn giáo và nghi lễ, nơi mà cộng đồng thực hành cầu thần tế lễ.
Không giống như một số tộc người khác, Kòn Cau không thực hiện các nghi thức thờ cúng. Thay vào đó, họ tiến hành các nghi lễ cầu thần tế lễ khi đến mùa, cầu cho mùa màng mà họ hy vọng sẽ được phát triển mạnh mẽ và mùa màng trỗi dậy. Họ cũng tổ chức các lễ tạ ơn, bày tỏ lòng biết ơn và tôn kính đối với những gì mà thần linh đã ban cho họ.
Truyền thống và các nghi lễ của Kòn Cau không chỉ là biểu hiện của sự kết nối mạnh mẽ giữa con người và tự nhiên, mà còn là biểu tượng của sự tôn trọng và lòng biết ơn đối với những điều vô cùng quý giá mà thần linh đã mang lại. Điều này làm nên cốt lõi của một nền văn hóa phong phú và sâu sắc, đóng góp vào sự phát triển và bền vững của cộng đồng qua thời gian.
Khi người ta làm nhà Ndu trên cây nêu, Ndu sẽ ngự xuống ghé thăm họ và ở lại đó trong các dịp lễ tế. Lúc đó, cộng đồng sẽ quy tụ xung quanh Ndu để thực hiện nghi thức cầu thần tế lễ, họ sẽ cầu thần và sát tế các vật thần dâng cho Ndu. Ndu và các linh hồn sẽ hưởng dùng một cách tâm linh. Sau đó, chúng sẽ được lấy xuống và trở thành của ăn thiêng liêng, của ăn chính trong các dịp lễ tế khác.
Các trang nghi lễ hiến tế của họ rất nhiều, máu của con vật như là trung tâm của các nghi thức. Cây Nêu và Ndu sẽ ở đó cho đến khi mục nát, để ở cùng, ban ơn cho họ. Có thể cây nêu và Ndu sẽ ở với họ cho đến vụ mùa năm sau, mới mục nát hoàn toàn. Hoa quả của ơn lành mà Ndu ban, đó là mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Ngoài quy tụ xung quanh Ndu ra, cây nêu còn là biểu tượng của lời mời gọi. Khi một ƀuôn làng tổ chức một nghi lễ liên quan đến mùa màng, cây nêu cao vút, tiếng cồng, tiếng chiêng, cùng ánh lửa bập bùng giữa đêm, tất cả là lời mời gọi ƀuôn làng, thành viên đang ở xa cùng nhau vui hội. Đây như là thời điểm để mọi người cùng nhau quy tụ, ôn lại truyền thống và truyền đạt cho nhau những giá trị cao quý của truyền thống cha ông.
Cây nêu và hiu kŭt Ndu cũng là biểu tượng của sức mạnh, để xua tan ma quỷ sự dữ. Đối với Kòn Cau, hệ thống niềm tin luôn có ba cấp bậc: Thần Linh, Ma Quỷ, các linh hồn. Ma quỷ luôn rình mò và tìm cách hãm hại Kòn Cau. Do đó, với nguyên tắc ở đâu có thần linh ở đó không có ma quỷ và cây nêu là biểu tượng sức mạnh để họ cậy dựa mà xua trừ ma quỷ. Dĩ nhiên trong đời thường họ không bao giờ cầu thần tế lễ cho ma quỷ. Họ không có quan niệm hòe cà (cầu thần lế lễ cho ma quỷ) mà chỉ có hòe yàng (cầu thần tế lễ cho Thần Linh).
Họ cũng quan niệm rằng, không chỉ có nhà dài, nhà tạm, căn chòi cũng phải được dựng lên nơi nương rẫy vườn tược của họ. Ở đó, họ luôn luôn đặt ba bầu nước trở lên, để khi Ndu ghé thăm sẽ dùng và chúc lành cho họ. Tuy nhiên, rẫy của họ luôn có hai cái chòi, một cái chòi thấp để ở, chòi cao để canh gác, bảo vệ mùa màng khỏi thú rừng.
Như vậy, qua những hình ảnh và ý nghĩa được trình bày trên đây, bạn thấy Hiu kŭt ứng với biểu tượng nào nhất trong Kitô giáo, đặc biệt là Công giáo? Nếu bạn là một người thích khám phá, và muốn có sự hội nhập thì bạn sẽ dễ dàng nghĩ ngay đến Nhà Tạm. Trong bài viết này người viết chỉ dừng lại ý nghĩa của từ Hiu kŭt trong văn hóa Kòn Cau.