1. Chuỗi hạt cườm trong văn hóa Kòn-cau
Nguồn gốc
Truyện cổ kể lại rằng Ñòng Gùr và Ñòng Ài là hai vợ chồng, sau khi lấy nhau chừng độ bảy tháng, Ñòng Ài có thai. Một ngày nọ Ñòng Gùr xuống miền xuôi để mua muối mua cá. Nhân cơ hội đó, con quạ đã bày mưu để cướp chồng của Ñòng Ài. Nó rủ cô đi đu dây mây trên cây gần dòng suối. Lúc đầu cô không chịu, nó dụ dỗ hoài cho đến khi cô chịu đi theo.
Đến nơi, quạ đu dây trước, thấy thích thú, Ñòng Ài đã leo lên và đu theo.Trong lúc cô leo lên, quạ đã bảo con chuột cắn dây mây phía trên. Dây đứt, lập tức, cô rơi xuống dòng nước rất sâu. Nhưng cô không chết.
Có một người đã đón lấy cô dưới dòng nước tên là Yàng dà (Thần nước), sau đó nuôi nấng cô để làm vợ.
Khi Ñòng Ài đã rơi xuống nước, quạ trở về và ở trong nhà của Ñòng Ài. Nó giả trang thành Ñòng Ài và lấy trái bầu khô đặt nơi bụng của nó, để làm cái bầu giả.
Ba ngày sau, Ñòng Gùr trở về từ miền xuôi, anh gọi vợ của mình. Lập tức có tiếng trả lời, nhưng rất lạ lẫm. Anh bảo vợ ra đỡ gùi cho anh, nhưng cô không ra vì lý do bụng đang mang bầu. Thấy có sự lạ, anh liền vào trong buồng.
Ở đó, anh thấy con quạ giả trang thành vợ của mình, anh tức tối lắm, dơ chân đạp vào bụng của nó và bầu khô vỡ ra. Con quạ xấu hổ và mắc cỡ lắm, nó liền bay ra và trốn ở một nơi rất xa.
Ñòng Gùr sau khi đạp bụng con quạ, anh đã đi hỏi han bà con lối xóm, người ta cho anh biết rằng, vợ của anh bị mắc lừa con quạ và đã rơi xuống dòng sông sâu. Nghe thấy vậy, anh đau khổ lắm, giọt nước mắt đầm đìa từ sáng sớm tới chiều hôm.
Hôm sau, anh quyết định đi tìm vợ, nơi dòng sông sâu, anh thấy vợ mình đang bắt chấy cho Thần nước. Anh hồi tâm suy nghĩ, buồn sâu vì nước sâu không tài nào xuống được. Anh về nhà và tìm nhặt những gì dơ bẩn nhất, những thứ này bao gồm: cối gỗ thủng, chày gỗ cụt, cái váy rách, phân heo, phân gà, rèn sừng sắt, sừng đồng và cỏ tranh trong vườn. Anh trở về nhà của mình, rồi tìm kiếm tất cả những gì bẩn thỉu để làm sự dữ cho Thần-nước. Tất cả những thứ đó được anh thảy xuống nơi dòng nước, chỗ vợ anh đang ở, chúng đã đánh nhau với Thần nước và Thần nước thua cuộc. Sau đó, Thần-nước đã trả lại người vợ cho anh. Anh nắm lấy tay vợ, để dẫn về nhà mình.
Nhưng con trai Thần-nước lại muốn lấy Ñòng Ài làm vợ, nó muốn giết chết cả hai người đó. Trong khi hai vợ chồng Ñòng Ài và Ñòng Gùr đứng trên bờ sông, một con rồng lớn đã làm sụt lún bờ sông chỗ hai vợ chồng đang đứng. Cả hai người rơi suống nước và cùng nhau chết. Trong khi hai người vẫn còn nắm tay nhau mà chết.
Đó là mối tình đẹp, thể hiện sự chung thủy. Để khắc ghi, bà con trong buôn làng lối xóm đã kết nên những tràng chuỗi và lấy tên hai người này mà đặt cho chúng. Và họ dùng chúng trong ngày đôi bạn kết duyên. Ngày nay Kòn-cau vẫn dùng trong các nghi lễ liên quan đến hôn sự. Sau này, nhiều tên gọi khác được đặt cho Ñòng như là biểu tượng của con đồng cháu đống.
Câu chuyện này còn được nối tiếp bằng câu chuyện khác, liên quan đến loài chim cu đất (ntờp). Loài chim này trong truyện cổ được ví von như hình ảnh của một nàng tiên xinh đẹp. Nàng tiên này có mối tình duyên với chàng trai Kòn-cau. Một vài câu chuyện có nói đến việc chàng trai quang lên cổ nàng chim câu vòng hạt cườm như biểu chứng của tình yêu chàng dành cho nàng. Từ đó mà chim cu đất có vòng cườm trên cổ của chúng.
Chúng ta cũng sẽ nghe khúc đầu của bản tình ca Dung-Lang, nói đến mình tình của nàng chim tiên và chàng Kòn-Cau.
2. Bức thông điệp câu chuyện muốn truyền tải
Qua câu chuyện trên đây, cố nhân muốn nhắn nhủ hậu sinh rằng:
Đời sống hôn nhân đòi buộc có sự chung thủy. Câu chuyện tình yêu đẹp được kể trên đây là một minh chứng cho sự chung thủy của hai vợ chồng Ñòng Gùr và Ñòng Ài. Bối cảnh xã hội có thể đưa đẩy, nhưng người chồng xa xứ phải giữ lòng chung thủy của mình. Còn người vợ cũng vậy, dù bất kỳ hoàn cảnh nào, vẫn nhớ mình là ai. Đối với cộng đồng, hôn nhân như là linh thiêng, ràng buộc vĩnh viễn. Cho dù, một trong hai rơi vào hoàn cảnh nào đi chăng nữa, họ vẫn đón nhận nhau. Tuy trong xã hội vẫn có đa thê (hai vợ), ngoại lệ này chỉ dành cho những người có quyền thế, các vị thủ lãnh. Nhưng, nó rất phức tạp và dường như rất hiếm.
Trong xã hội thời kỳ nguyên thủy của cộng đồng, ở đó có những sự ghen tuông, giành dựt. Những sự đó luôn đưa đến kết cục bi thảm mà chẳng ai mong muốn. Quạ như là đại diện cho “người xấu” hay “kẻ thứ ba” trong hôn nhân, chuyên đi phá rối hạnh phúc gia đình người khác. Khi kể tích xưa này, đó cũng là lúc các bậc tiền bối giáo huấn hậu sinh, làm sao để xây dựng một cuộc sống không ghen tương, không quyền lợi riêng, không tranh giành. Xã hội cổ truyền từng bước được dựng xây và nó chứa đựng biết bao giá trị mà ngày nay dường như đang trở nên xa lại với chúng ta.
Người đàn ông là người luôn luôn phải ra đi trong xã hội thời bấy giờ, có khi ra đi và biệt tăm luôn. Bởi lẽ, các cư dân phía Đông chịu sự đô hộ của Champa, đến thời kỳ phải lao dịch, họ phải đi làm phu công, do đó quyền bính được giao cho người phụ nữ. Dần dần, các cư dân này trở về với chế độ nguyên mẫu là mẫu hệ (Me Bò, Me Bla). Trong khi đó, các cư dân Mạ ở phía Nam, bao gồm Mạ Tờm, Mạ Krung và Mạ Xốp, không chịu sự đô hộ. Đàn ông con trai vẫn giữ quyền bính trong xã hội. Mặt khác, tổ chức xã hội cao hơn do chịu ảnh hưởng của tiểu quốc Mạ. Do đó, đến nay họ vẫn giữ lại được chế độ phụ hệ. Tuy nhiên, cư dân này vẫn còn dáng dấp của mẫu hệ. Một vài nơi, cư dân Mạ khác, hai chế độ song song tồn tại.
Thông điệp thứ ba là về việc gìn giữ môi trường (nước, sông). Sông suối hay núi rừng là nơi cư ngụ của Thần Linh, nếu thả những điều nhơ bẩn, thần Linh sẽ nổi giận và gây ra những tai họa. Do đó, trách nhiệm bảo vệ môi trường được đặt lên hàng đầu trong các mối tương quan giữa con người với nhau và con người với tự nhiên. Ngay cả khi làm những ngôi nhà mới, họ rất ý thức nơi chốn của những phế thải từ trong sinh hoạt gia đình.
Đó là ý nghĩa thông điệp của câu chuyện cổ, từ việc nhấn mạnh đến tình yêu và lòng chung thủy, chuỗi hạt cườm được làm ra. Ban đầu, chúng được dùng trong các vấn đề liên quan đến hôn sự. Nhưng sau này và thậm chí trong hiện tại, Ñòng trở thành một món đồ không chỉ là trang sức tô thêm vẻ đẹp của phụ nữ, chúng còn được dùng hầu như trong mọi hoạt động liên quan đến văn hóa. Vậy ý nghĩa chính yếu của nó là gì?
3. Ý nghĩa việc sử dụng tràng chuỗi trong đời sống thường nhật
Kòn-cau gọi chúng là Ñòng, là những xâu chuỗi hạt cườm nhiều loại, nhiều màu sắc và có các kích cỡ khác nhau, có Ñòng là xâu chuỗi, các hạt chỉ duy nhất một màu, nhưng cũng không thiếu những xâu chuỗi các hạt có nhiều màu sắc khác nhau. Tùy theo loại hạt và cách sắp xếp xâu chuỗi mà chúng có tên gọi và mang giá trị về mặt vật chất khác nhau. Có các tên gọi như Ñòng Gùr, Ñòng Ài, Ñòng Kĕ, v.v. Tương truyền rằng, loại Ñòng quý giá nhất, được làm bằng hạt mã não, một vòng vừa khít trên cổ, có thể đổi được một con trâu trưởng thành. Loài này rất hiếm, lửa không thể thiêu rụi được. Trước đây, Ñòng được làm từ đá quý rất bền, ngày nay, chúng được làm từ nhựa hoặc sứ, được du nhập từ miền xuôi (người Chăm) là chủ yếu.
Ñòng là trang sức quý giá làm tăng thêm vẻ đẹp và sự duyên dáng cho các thiếu nữ vùng cao nguyên Lâm Viên. Ñòng còn được sử dụng để trao cho nhau trong những dịp vui như trong ngày đặt tên cho đứa trẻ sơ sinh, dùng trong đám hỏi, đám cưới theo phong tục, các dịp lễ hội mang tính cộng đồng và chủ nhà trao cho khách đến viếng thăm. Tùy theo mỗi dịp mà ý nghĩa khác nhau. Ý nghĩa ban đầu là kết tinh của tâm tình và lòng chung thủy của đôi bạn, sự hội tụ của lòng mến và niềm mơ ước thuộc về luôn luôn. Nhưng khi trao cho nhau, chúng trở thành biểu chứng của niềm mong ước
Niềm mơ ước đó, trước hết được biểu lộ khi Ñòng đeo lên cổ của đứa trẻ sơ sinh trong ngày đặt tên hoặc đặt lại tên. Khi đứa trẻ đến ngày đặt tên (bảy ngày sau khi sinh), tên của đứa trẻ được đặt theo tên của ông bà cố và Ñòng được các bậc cao niên (ông bà nội ngoại, những người lớn tuổi) trao cho chúng. Trước khi trao, các ngài thường cầu khẩn Thần Linh (Yàng) theo một cách thức nhất định. Họ sẽ chạm môi trên Ñòng (mục đích là để lấy nước bọt) và Ñòng được chạm trên trán em bé bảy lần theo số đếm.5 Và tiếp nối bằng những lời thưa gửi về mục đích của nghi lễ và cầu xin sự chúc phúc của Yàng. Tiếp đến, Ñòng được quàng vào cổ em bé như là biểu chứng của niềm mơ ước được đặt vào nơi sinh linh mới chào đời này. Đó là sự chào đón một con người mới bước vào thế giới loài người với một tên định danh riêng cùng với những nỗi niềm được các vị cao niên gửi gắm trên cuộc đời của em, rằng em sẽ được chúc lành và sẻ lớn lên thành người với một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ñòng sẽ đi theo em đến lúc trưởng thành và suốt cả cuộc đời, một lúc nào đó một ai đó sẽ lại dùng đến nó trong dịp vui sau này.
Thứ đến, niềm mơ ước đó còn được biểu lộ khi Ñòng là món quà tinh thần trong khi ngày thăm viếng một trẻ em đang ốm đau. Trước đây, theo quan niệm dân gian, mọi ốm đau bệnh tật đều là do Yàng gây ra, có khi là do cà (chà) làm cho hồn của con người đau yếu. Đối với trẻ em chưa có trí khôn, c chưa thể nói năng rạch ròi, ốm đau bệnh tật một cách nào đó có thể là do phần t hồn của em đang đau yếu, nó khao khát một điều gì đó muốn những người khác d can thiệp bằng lời cầu khẩn. Bậc cao h niên thường có những nghi lễ nhỏ gọi là “pìh” cho đứa trẻ đó. Cũng tương tự như nghi thức đặt tên cho đứa bé sơ sinh, phần nghi lễ này còn có thêm các thứ khác như con gà, cơm nếp, ché rượu cần, tiền, v,v. Con gà, ché rượu cần được tơwài (xoay bảy vòng theo số đếm, sau số thứ tám là lời cầu xin các Yàng). Nghi thức này nhằm cầu xin các Yàng giúp sức cho phần hồn em, để hồn em được khoẻ mạnh, đó cũng là nghi thức nói lên sự tôn trọng, nói lên lời yêu thương và mong muốn những điều tốt đẹp của mọi người dành cho em bé. Sau đó, Ñòng được đặt vào cổ em để mong ước những điều tốt lành.
Ngoài ra, niềm mơ ước cũng được biểu lộ khi Ñòng là lễ vật được dùng trong đám hỏi và lễ cưới (sính lễ). Trong đám hỏi, sau khi đã tra hỏi và đôi bạn nói lên những mong ước của mình, Nòng được đôi bạn đeo lên cổ của nhau như muốn nói lên sự ưng thuận và là biểu chứng của tình yêu dành cho nhau. Từ đây, hai người là của nhau và thuộc về nhau, trước sự chứng kiến của hai họ và người làm chứng. Sau đó bố mẹ của hai bên gia đình trao cho đứa con dâu hoặc con rể của họ. Bố mẹ sẽ dùng Ñòng đeo vào cổ của đứa con dâu hoặc con rể đó, như biểu chứng của sự đón nhận và thuộc về gia đình. Từ đây con người này sẽ là thành viên trong gia đình, trong dòng họ và nên một với con ruột của họ. Ngoài Ñòng được hai bạn trao cho nhau còn có mbiat (nhẫn), kòng (vòng đeo tay), đây là những lễ vật không thể thiếu trong ngày đám hỏi. Mặc nhiên khi kết thúc nghi lễ đám hỏi này, đôi bạn trở thành vợ chồng, họ có thể chung sống, ăn ở với nhau mà không bị ràng buộc bởi bất cứ luật lệ nào. Còn việc tổ chức lễ cưới sau này chỉ là niềm vui của họ được chia sẻ cho buôn làng, để ra mắt mọi người và để buôn làng cùng chung vui với họ. Sau này, việc nên vợ chồng đã dần đi vào nề nếp theo phép đạo (nếu như họ là người Công Giáo). Nhưng trước khi hai người nói lên cam kết với nhau trong nhà thờ, đám hỏi theo truyền thống với việc trao Ñòng, kòng, mbiat cho nhau vẫn diễn ra, vì đây là bảo chứng của niềm mơ ước, sự thuộc về trong văn hóa của những người đồng bào nơi đây.
Cuối cùng, niềm mơ ước còn diễn tả khi Ñòng được chủ nhà trao cho khách đến viếng thăm. Nhiều người mới đặt chân lên Fyan sẽ ngạc nhiên khi vào bất cứ nhà nào, chủ nhà hoặc người trong buôn làng thường đeo Ñòng cho họ. Khi được hỏi, ít ai có thể nói lên được ý nghĩa sâu xa của cử chỉ này. Như đã nói, Ñòng là sự kết tinh của tâm tình của người tạo ra nó, khi chủ nhà trao Ñòng cho khách, lòng hiếu khách được tỏ bày và xác nhận rằng người khác lạ này trở thành người bạn của chủ nhà. Từ đây, chủ và khách sẽ không còn xa lạ nhau. Ñòng là bảo chứng xác nhận rằng chủ và khách là bạn với nhau. Chủ luôn muốn điều tốt đẹp đến với khách qua việc trao Ñòng. Nếu vị khách là tu sĩ, Linh mục hay Giám mục, Ñòng còn diễn tả một sự kính trọng, niềm vui lớn, lời cám ơn chân thành và n tâm tình cùng những khao khát được i gởi gắm cho các vị để qua các phận g sự, các vị đó sẽ luôn nhớ đến họ trong – những lời cầu nguyện.
Một khía cạnh nhỏ trong văn hoá – bản xứ vùng Lâm Viên trên đây nói lên niềm – mơ ước lớn lao của con người trong mối tương quan với tha nhân. Niềm mơ ước đó là sự mong muốn những điều tốt đẹp đến với cuộc sống của một sinh linh mới chào đời, sự chữa lành cho đưa bé thơ ốm đau bệnh tật, ngày trọng đại của đôi bạn và tâm tình hiếu khách của chủ nhà. Đồng thời, Ñòng còn là sự kết lại của tâm tình, của niềm mơ ước và được trao đi, chúng nói lên rằng người dân nơi đây luôn muốn sống cùng, sống với và sống trong mọi người. Nét đẹp này đang mai một dần theo năm tháng do sự ảnh hưởng của trào lưu tục hoá. Do đó sự bắt đầu từ việc tìm lại, khơi gợi, giữ gìn và bảo tồn những giá trị tốt đẹp này trong đời sống văn hoá của cộng đồng là một cách thức hướng về cội nguồn.